Kết quả và ảnh hưởng Trận_Ia_Đrăng

Quân sự

Trong bốn ngày giao chiến, chỉ với lực lượng bộ binh trang bị nhẹ, "trận đánh sông Drang" của chủ lực Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã loại khỏi vòng chiến 476 lính Mỹ, trong đó có 234 lính chết và 245 bị thương. Thương vong của VN được tướng Đặng Vũ Hiệp ghi nhận là 208 người chết và 146 bị thương (một tài liệu khác ghi nhận Trung đoàn 66 có 157 người chết, bị thương 239).

Ngược lại, phía Mỹ tuyên bố là hơn 1.000 lính đối phương bị giết chưa kể bị thương (634 trong trận X-Ray và 403 trong trận Albany). Ngày 17 tháng 11, sau 3 ngày B-52 trải thảm bom, nguồn tình báo qua đài kiểm thính của Hoa Kỳ cho biết Mặt Trận B3 báo cáo đã bị mất 2/3 lực lượng[50], nghĩa là 6 trên 9 tiểu đoàn; còn lại hai Tiểu đoàn 635 và 334 thuộc Trung đoàn 320[51], và 5 đại đội thuộc Trung đoàn 33 và Trung đoàn 66 tham chiến trong trận bãi đáp Albany (khi Lực lượng Dù gồm 5 tiểu đoàn hành quân vào Ia Drăng thì chỉ bắt gặp 2 tiểu đoàn Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam).[52][53] Mặc dù thương vong phía Mỹ rất lớn, các quan chức cấp cao của Mỹ ở Sài Gòn lại tuyên bố trận Ia Đrăng là một trận đánh vô cùng quan trọng vì đây là cuộc đụng độ đáng kể đầu tiên giữa quân đội Mỹ và các lực lượng chủ lực của QGP. Nó chứng minh rằng QGP đã chuẩn bị sẵn sàng để đứng lên chiến đấu trong những trận đánh lớn ngay cả khi họ có thể phải chịu thương vong nghiêm trọng. Các nhà lãnh đạo quân sự cấp cao của Mỹ đã kết luận rằng quân đội Mỹ có thể gây thiệt hại đáng kể cho lực lượng đối phương trong các trận chiến như vậy.[54]

Bộ Tư lệnh Quân đoàn II Việt Nam Cộng hòa tổng kết thiệt hại phía Quân Giải phóng miền Nam Việt Namtừ 19-10 đến 26-11 như sau: chết đếm xác 4.254, chết ước tính 2.270, bị thương 1.293, bị bắt 179, vũ khí cộng đồng 169, vũ khí cá nhân 1.027.[55] Tướng Kinnard báo cáo tổn thất phía Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam do chính các bản doanh dã chiến cấp trung đoàn Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam báo cáo về trung ương[56]; các báo cáo này bị các đài kiểm thính phía bên QLVNCH nghe ngóng chận bắt được.[57] Ngoài ra báo cáo tổn thất của Bộ Tư lệnh Quân đoàn II bao gồm các tổn thất do 5 ngày bom trải thảm B-52 gây ra, mà phía QGP và Hoa Kỳ không đề cập tới. Quân lực Việt Nam Cộng hòa cho rằng phíaQuân Giải phóng miền Nam Việt Nam không đạt được mục tiêu chiếm cứ trại và tiêu diệt quân tiếp viện và họ báo cáo với cấp trên rằng toàn bộ lực lượng B3 bị đánh tan và đẩy lui qua biên giới Căm Bốt.[58]

Ngược lại, theo số liệu của QGP thì thương vong của QGP trong chiến dịch (từ 19/10 tới 26/11) là 554 tử trận và 669 bị thương. Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tuyên bố đã loại khỏi vòng chiến đấu 2.974 địch (trong đó có khoảng 1.700 lính Mỹ), phá huỷ 88 xe quân sự (có 42 xe tăng và xe bọc thép), 5 khẩu pháo 105mm, bắn rơi 59 máy bay. Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam kết luận họ đã hoàn thành các mục tiêu đề ra trong chiến dịch: đánh thiệt hại nặng 1 lữ đoàn không kỵ tinh nhuệ của Mỹ, lực lượngQuân Giải phóng miền Nam Việt Nam thu được nhiều kinh nghiệm quý báu trong tác chiến chống chiến thuật trực thăng vận của Mỹ, cũng như cách đánh áp sát để hạn chế tối đa ưu thế hỏa lực không quân, pháo binh vượt trội của Mỹ[10]

Sau trận đánh, Trung đoàn 66 đã được tặng thưởng một lúc 2 Huân chương quân công hạng nhất, vì theo lời đại tướng Nguyễn Chí Thanh thì "do không có huân chương nào cao hơn, vì vậy tặng một lúc 2 huân chương để thưởng công cho thành tích tuyệt vời của Trung đoàn 66". Nhiều chiến sĩ được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ: Đại đội trưởng Đại đội 2 Lê Văn Tam được tặng huân chương chiến công hạng nhì và danh hiệu dũng sĩ diệt Mĩ cấp 3, Chính trị viên phó Đại đội 6 Đinh Văn Đế diệt 8 lính Mĩ (3 bằng dao găm). Trung uý Vũ Đình Dự - Chính trị viên Đại đội 8, Trung úy Đoàn Ngọc Đảnh - Đại đội trưởng Đại đội 7, Thiếu úy Nguyễn Xuân Ngạnh trung đội trưởng, Thiếu úy Vũ Đức Thắng trung đội trưởng, chiến sĩ trẻ Lê Văn Quỳnh (18 tuổi), tiểu đội phó Hà Huy Trọng, Phạm Văn Tiết, Cao Thái Thưởng, Trần Minh Duyên... là những chiến sĩ được cấp trên ghi nhận diệt từ 5-15 lính Mỹ. Đặc biệt Lê Khắc Nga, Lê Văn Điều mỗi người được ghi nhận diệt hơn 20 lính Mỹ, là 2 chiến sĩ đạt danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú đầu tiên ở chiến trường.[cần dẫn nguồn]

Về mặt chiến thuật, trận đánh đã cung cấp cho Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam nhiều kinh nghiệm quý về tác chiến chống quân Mỹ, một đối thủ vượt trội về hỏa lực và sức cơ động. Tiêu biểu là chiến thuật "Nắm thắt lưng Mỹ mà đánh", tức áp dụng lối đánh cận chiến áp sát lính Mỹ để vô hiệu hóa hỏa lực pháo binh và không quân của Mỹ. Các tài liệu của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam ghi nhận:[cần dẫn nguồn]

Lựa chọn cách đánh và đánh thắng địch ngay trận đầu là nét độc đáo của nghệ thuật chỉ huy chiến dịch. Quân Mỹ mới vào miền Nam tuy có chiếm ưu thế về hỏa lực, sức cơ động nhưng chúng rất chủ quan không đánh giá đúng mình và coi thường đối phương. Mặt khác ta không coi thường địch mà đã chuẩn bị tốt tư tưởng tâm lý cho cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng chấp nhận hy sinh để giành thắng lợi.

Sự sắc sảo của nghệ thuật chỉ huy chính là biết khoét sâu vào chỗ yếu, chỗ sơ hở của địch để lựa chọn địa hình, lựa chọn cách đánh đúng, giành thắng lợi trong từng trận chiến đấu. Trong chiến dịch này mưu hay của ta là lừa địch, kế giỏi là dụ quân Mỹ vào đúng điểm quyết chiến ta đã chọn; phát huy sở trường đánh gần của ta để làm hạn chế điểm mạnh về hỏa lực, cơ động Mỹ. Thắng lợi của chiến dịch đã khẳng định ta có khả năng đánh tiêu diệt từng tiểu đoàn quân Mỹ.

Một số thế chiến thuật được Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đem ra áp dụng trong toàn trận chiến gồm có: đánh điểm diệt viện, đánh diện diệt điểm, "nắm thắt lưng địch mà đánh", "biển người"[59], "kiểm thủ kích vĩ"[60]...Tuy nhiên, trên thực tế, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam không hề sử dụng biển người do họ sử dụng ưu điểm của chiến thuật đánh điểm diệt viện, đánh diện diệt điểm nên tỷ lệ QGP-Mỹ ở mỗi cứ điểm có lợi cho QGP. Từ đó, phía Hoa Kỳ luôn có cảm giác số quân của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đông hơn trong khi trên thực tế quân số của Mỹ-VNCH lại là bên đông hơn.[cần dẫn nguồn]

Về mặt chiến lược, trận đánh gây ra một ảnh hưởng sâu rộng về quan điểm chiến tranh của người Mỹ. Ngay tuần lễ sau đó Westmoreland đã đề nghị cho ông thêm 41.500 lính Mỹ[cần dẫn nguồn] với lý do "lực lượng chủ lực Bắc Việt Nam đã thâm nhập vào miền Nam". Những đề nghị này không ngừng tăng lên kể từ tháng 7, và đề nghị mới này đưa số quân Mỹ đến VN lên đến 375.000 người. Bộ trưởng McNamara phải bỏ dở ngay một hội nghị của OTAN ở Paris, khẩn cấp sang Sài Gòn một thời gian 30 giờ để đánh giá lại cuộc chiến. Mac Namara tuyên bố gửi cho ông ta 400.000 quân "không đảm bảo thắng lợi" - "Lính Mỹ trong những cuộc hành quân mỗi tháng bị chết có đến hơn 1.000" và cơ may vào đầu năm 1967 phải "một mức độ cao hơn". Lần đầu tiên Mac Namara nói đến việc Chính phủ có thể "thử cách thương lượng theo giải pháp hoà giải" đồng thời vẫn gửi quân tăng cường "ở một mức độ tối thiểu".[cần dẫn nguồn]

Bộ trưởng Quốc phòng Israel khi đó sang thăm Việt Nam Cộng hòa đã đóng vai một nhà báo chiến trường đến quan sát chiến dịch Pleime về nói như sau: "Quân đội Mỹ ở Việt Nam đã có đủ những vũ khí và phương tiện mà những người chỉ huy quân sự các nước khác chỉ thấy trong mơ. Thế mà, mỗi khi đối phương đã tiếp nhận giao chiến là trên 90% các trận đánh, quyền chủ động thuộc về họ...".

Tướng Mỹ G. Moore và phóng viên chiến tranh L. Galoway, cả hai đã chiến đấu trong trận Ia Đrăng sau này nhận định rằng: "Ia Đrăng - trận đánh đã làm thay đổi cuộc chiến tranh ở Việt Nam".[61]

Rõ ràng trận đụng độ đầu tiên với lực lượng chủ lực Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã làm những người đứng đầu quân đội Mỹ tại Việt Nam thay đổi cách nhìn lạc quan về triển vọng "chiến thắng dễ dàng" vốn vẫn được duy trì hồi tháng 7, vốn bắt nguồn từ sự tự tin về ưu thế hỏa lực và công nghệ của "sức mạnh siêu cường" trước đối phương.[62]

Diện và Điểm tại mặt trận thung lũng Ia Drăng

Oanh tập B-52 vào vị trí các đơn vị thuộc lực lượng Mặt Trận B3 từ 15-20 tháng 11

Cuộc hành quân Silver Bayonet I của Lữ đoàn 3 Không Kỵ Mỹ tại chân rặng núi Chu Prông chỉ là diện, nhằm yểm trợ cho điểm là các cuộc ném bom trải thảm kéo dài 5 ngày của các pháo đài bay B-52.[63] Ngày 10 tháng 11, Lữ đoàn 3 Không Kỵ nhận được lệnh chuyển hướng hành quân từ tây sang đông[64] nhằm dụ mặt trận B3 tập trung quân[65] chuẩn bị tấn công trại Pleime lần thứ hai ấn định vào ngày 16 tháng 11.[27] Ngày 12 tháng 11, Lữ đoàn 3 Không Kỵ nhận được lệnh chuẩn bị tấn kích vào chân rặng núi Chu Prông.[29] Ngày 13 tháng 11, đại tá Brown gặp trung tá Moore và ra lệnh cho Moore hành quân tấn kích vào ngày hôm sau.[30] Ngày 14 tháng 11, Mặt Trận B3 của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam ra lệnh đình chỉ cuộc tấn công trại Pleime[66] và đưa hai tiểu đoàn 7 và 9 ra ứng chiến với ba Tiểu đoàn 1/7, 2/7 và 2/5 Không Kỵ ở Ia-drang (kết quả là Tiểu đoàn 1/7 bị tiêu diệt gần hết ngay khi vừa đổ bộ, Tiểu đoàn 2/7 và 2/5 thiệt hại 2/3 quân số).

Ngày 15 tháng 11, đúng 16 giờ, B-52 bắt đầu trải thảm bom tại địa điểm YA 8702, 7 cây số cách bãi đáp X-Ray về hướng tây và tiếp tục trong 5 ngày kế tiếp. Kế hoạch oanh tạc này đã được điều nghiên từ tháng 9 năm 1965.[67] Tướng William DePuy, Trưởng ban 3/MACV phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân đoàn II-VNCH thực hiện cuộc hành quân oanh tạc này để phá chiến thuật "nắm thắt lưng địch mà đánh" cũng như phá thế trận phòng ngự của Quân Giải phóng.[68]

Ngày 15 và 16 tháng 11, B-52 nhắm trải thảm bom vào các vị trí của các đơn vị thuộc Trung đoàn 33 và 32; ngày 17 và 18, các đơn vị thuộc Trung đoàn 66 (ngày 17 ngay tại bãi đáp X-Ray); ngày 19, các đơn vị thuộc Trung đoàn 66 và 33; và ngày 20, các đơn vị thuộc Trung đoàn 32.

Mặt trận điểm oanh tạc bom B-52 được tiếp tục trợ lực bởi các thành phần bộ chiến của Lữ đoàn 2 Không Kỵ (hành quân Silver Bayonet II, 18-26 tháng 11) và nhóm nhảy dù VNCH (hành quân Thần Phong 7, 18-26 tháng 11).

Trong văn hóa đại chúng

Trận đánh được thiếu tá Hal. Moore tường thuật lại trong cuốn Hồi ký We were soldiers...and Young (Chúng tôi là những người lính trẻ). 1 bộ phim tên gọi We were soldiers (Tên tiếng Việt: Chúng tôi từng là lính) cũng được dàn dựng dựa theo cuốn hồi ký này. Bộ phim đã được công chúng Mỹ đón nhận nồng nhiệt, nhất là trong bối cảnh Mỹ mới đem quân tiến hành tấn công Afghanistan, bởi họ cần một tác phẩm ca ngợi sự dũng cảm để lên tinh thần cho quân nhân Mỹ.

Tuy nhiên bộ phim đã bị chỉ trích từ dư luận Việt Nam khi đạo diễn đã cố tình đưa thêm vào nhiều chi tiết sai sự thật lịch sử mà cuốn hồi ký của Moore không hề có:[cần dẫn nguồn]1/ Xuyên tạc và bôi nhọ binh sĩ Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tiêu biểu như việc mô tả những người lính Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam hoàn toàn thiếu kĩ năng chiến đấu, chậm chạp và chỉ biết lấy số đông lao lên đánh trực diện để rồi ngã rạp hết lớp này đến lớp khác trước hỏa lực và sự thiện chiến của quân Mỹ (trong khi ở hồi ký, Moore ghi nhận lính Mỹ công nhận kẻ thù là những chiến binh khôn khéo, luôn tìm cách tập kích hoặc cơ động đánh vào sườn, và "giỏi không chịu được"). Hoặc trường đoạn cuối phim, lính Mỹ cùng trực thăng phản công đánh vào sở chỉ huy và tiêu diệt toàn bộ lực lượng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tại đây thực tế cũng không hề có thật. Thực tế cuộc phản công này (trận Albany) đã lọt vào ổ phục kích và gần như toàn bộ tiểu đoàn Mỹ bị tiêu diệt.2/ Diễn viên Đơn Dương (đóng vai Trung tá Nguyễn Hữu An-chỉ huy lực lượng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam) ngay trong đầu phim, đã bắn chết 1 tù binh Pháp, chứ không bắt giữ tù binh. Điều nầy là dàn dựng lố bịch bởi ở thời điểm trong phim, Trung tá Nguyễn Hữu An đang chỉ huy một trung đoàn từ Điện Biên Phủ trở về Hà Nội, đơn vị của ông không hề chiến đấu trận nào trong thời gian này.

Joseph L. Galloway, nhà báo từng trực tiếp quan sát trận đánh đã "rất ngạc nhiên và tức giận sau khi xem phim"... Theo Galloway, giữa cuốn sách mà ông là đồng tác giả với bộ phim, dù cùng một câu chuyện nhưng có nội dung khác nhau, Galloway khẳng định cuốn sách đã phản ánh đúng sự thật, nhưng khi lên phim mọi chuyện thay đổi. Galloway ngay sau đó cũng đã chỉ trích các nhà làm phim. Theo ông, Hollywood đã "phim ảnh hoá" tới hơn 80% sự thật để thu được lợi nhuận cao, trong khi thông thường chỉ được phép dưới 20%.[cần dẫn nguồn]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận_Ia_Đrăng http://www.generalhieu.com/iadrang_longreach-u.htm http://www.generalhieu.com/iadrang_westmoreland_no... http://www.generalhieu.com/lzxray_moore_hieu-2.htm http://www.generalhieu.com/pleiku-2.htm http://www.generalhieu.com/pleime_1cav_g3-u.htm http://www.generalhieu.com/pleime_1cav_g3-v.htm http://www.generalhieu.com/pleime_1cav_g3-x.htm http://www.generalhieu.com/pleime_arclite_g3-y.htm http://www.generalhieu.com/pleime_intel_J2-2.htm http://www.generalhieu.com/pleime_sach.htm